Đây là một trong những chiến lược chuyên sâu của ngành thông tin và truyền thông, cùng với nhiều chiến lược chuyên sâu khác đã ban hành trước đó để đề ra con đường phát triển trong các lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn an ninh mạng, bưu chính, chuyển đổi số báo chí, dữ liệu số, công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, Chiến lược hạ tầng số đặt mục tiêu đến 2025:
Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G. Đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới. Hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng không vượt quá 1,4. Trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật. Mỗi người dân có 01 định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%. Phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế - xã hội.
Hình ảnh hạ tầng số trong tương lai
Mục tiêu đến năm 2030:
Phấn đấu 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G. Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 06 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 01 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 01 tuyến cáp quang đất liền quốc tế.
Tổng dung lượng cáp quang biển thiết kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1+2. Phát triển các Trung tâm dữ liệu siêu lớn; Trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong nước và sẵn sàng phát triển các Trung tâm dữ liệu khu vực. Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 04 kết nối IoT. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược hạ tầng số còn đề ra 09 giải pháp chủ yếu, đó là: Hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Viễn thông theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng, giá cước phù hợp; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; bảo vệ người sử dụng; thu hút đầu tư trong và ngoài nước; ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên hạ tầng viễn thông; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng, ban hành các chính sách, quy định bảo đảm hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác để cho hạ tầng viễn thông được chia sẻ, dùng chung nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế. Phát triển các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong phát triển hạ tầng số.
Huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; Ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình quốc gia để phát triển công nghệ số, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia để phát triển sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số, giải pháp phát triển hạ tầng số và các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hạ tầng số; Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng số, triển khai các biện pháp để bảo vệ nhiều lớp, giám sát, cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố, phục hồi hệ thống kịp thời. Nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong triển khai mạng truy nhập Internet băng rộng để phục vụ nhu cầu của người dân. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các hạ tầng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, IoT, dữ liệu lớn, các nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ có tính chất nền tảng cấp quốc gia.
Triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, quản lý nhà nước về hạ tầng số. Thực hiện khảo sát, thu thập số liệu, công bố kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số đặt ra tại Chiến lược này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số. Hợp tác với các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan để triển khai hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh truyền thông về “Phát triển hạ tầng số với hệ sinh thái mở, tạo niềm tin số" tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của Nhà nước; phổ biến những đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao (5G, 6G)…