Theo đó, trong tháng 11/2024, công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại sẽ tập trung các nội dung trọng tâm sau
Thứ nhất, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền kết quả xây dựng, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền con người kể từ sau Hiến pháp năm 2013. Kết quả Báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Việt Nam trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam chấp thuận 271/320 khuyến nghị được đưa ra - đây là tỷ lệ cao nhất trong 4 chu kỳ bảo vệ Báo cáo; thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Thứ hai, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở khu vực Đông Nam bộ. Tuyên truyền nhân rộng những mô hình, thực tiễn tốt của địa phương trong việc giúp đồng bào nâng cao nhận thức về những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, thông tin, tuyên truyền đối ngoại về việc dẫn độ Y Quynh Bdap, trong đó tuyên truyền vạch rõ hành vi khủng bố của đối tượng Y Quynh Bdap trong vụ tấn công tại Đắk Lắk tháng 6/2023; khẳng định việc dẫn độ đối tượng là phù hợp nhằm đảm bảo mọi đối tượng phạm tội đều phải bị xử lý trước pháp luật.
Thứ tư, đấu tranh, phản bác cáo buộc Việt Nam hạn chế tự do internet trong Báo cáo về tự do internet do tổ chức Freedom House công bố ngày 16/10/2024. Trong đó tuyên truyền khẳng định: (i) Việt Nam luôn tôn trọng, có nhiều chính sách và biện pháp thực tiễn nhằm bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do internet chính đáng của người dân; (ii) các đối tượng bị bắt giữ đều có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam; quá trình điều tra, xét xử được tiến hành công khai, minh bạch.