Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT ngày 29 tháng 3 năm 2024 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư này quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2); nguyên tắc quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; quy định một số trường hợp sản phẩm, hàng hóa được miễn chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; quy định một số trường hợp ngưng hiệu lực, chưa bắt buộc áp dụng một phần/toàn bộ của một số quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy được quy định gồm:
-Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz (Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến cố định hoặc di động mặt đất; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho truyền hình quảng bá, phát thanh quảng bá; Thiết bị Ra đa).
-Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn (Thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT; Thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung; Thiết bị truyền dữ liệu băng rộng hoạt động trong băng tần 2,4 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương (EIRP) từ 60mW đến 200mW; Thiết bị truy nhập vô tuyến băng tần 5 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương (EIRP) từ 60 mW trở lên; Thiết bị Ra đa ứng dụng trong giao thông đường bộ hoặc đường sắt; Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện; Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện; Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị thu phí giao thông không dừng áp dụng công nghệ nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị âm thanh không dây; Thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng (UWB)).
Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy gồm:
- Thiết bị công nghệ thông tin (Máy tính cá nhân để bàn (Desktop computer); Máy tính xách tay (Laptop and portable computer); Máy tính bảng (Tablet).
-Thiết bị phát thanh, truyền hình (Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set Top Box) trong mạng truyền hình vệ tinh (trừ thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S/S2); Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số vệ tinh DVB-S/S2; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set Top Box) trong mạng truyền hình cáp sử dụng kỹ thuật số; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set Top Box) trong mạng truyền hình IPTV; Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (Set Top Box DVB-T2); Máy thu hình có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất DVB-T2 (iDTV); Thiết bị khuếch đại trong hệ thống phân phối truyền hình cáp).
- Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz và có công suất phát từ 60 mW trở lên (Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến cố định hoặc di động mặt đất); Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho thông tin vệ tinh (trừ các thiết bị di động dùng trong hàng hải và hàng không); Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho nghiệp vụ di động hàng hải (kể cả các thiết bị trợ giúp, thiết bị vệ tinh); Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho định vị và đo đạc từ xa (trừ thiết bị dùng ngoài khơi cho ngành dầu khí); Thiết bị vô tuyến dẫn đường; Thiết bị vô tuyến nghiệp dư...).
- Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn (Thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung; Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị Ra đa ứng dụng trong giao thông đường bộ hoặc đường sắt; Thiết bị sạc không dây; Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện; Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS); Thiết bị truy nhập vô tuyến tốc độ cao băng tần 60 GHz; Thiết bị truyền hình ảnh số không dây; Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn khác).
- Pin Lithium cho thiết bị cầm tay ( Pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 thay thế Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT ngày 31 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Thông tư số 10/2023/TT-BTTTT ngày 05 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ngưng hiệu lực áp dụng quy định thi hành một phần/toàn bộ của một số quy chuẩn kỹ thuật tại Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT ngày 31 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư: thong-tu-02-2024-btttt.pdf